Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, du lịch nông thôn ở Việt Nam thì có thể xếp vào 3 loại hình cơ bản là: Du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Trong đó: Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.
Du lịch canh nông hay du lịch trang trại nông nghiệp là du lịch ở vùng nông nghiệp được canh tác theo hướng ứng dụng công nghệ cao; là hoạt động trải nghiệm tại trang trại trồng trọt hoặc chăn nuôi, bao gồm canh tác nông nghiệp, thưởng thức sản phẩm nông trại và lưu trú.
Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Du lịch cộng đồng là mô hình du lịch khai thác các nét nguyên bản chưa được khám phá hết trong cộng đồng; trong đó, cộng đồng địa phương là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho du khách, cũng chính là người có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch và họ được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển du lịch tạo ra.
Một góc thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát – điểm du lịch được nhiều du khách lựa chọn khi đến với Lào Cai
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện nay có 11 điểm du lịch cộng đồng cùng với đó là hệ thống các làng, thôn, bản có thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch. Hầu hết các điểm du lịch cộng đồng tập trung chủ yếu ở Sa Pa, Bắc Hà và từng bước mở rộng sang Bát Xát, Bảo Yên.
Toàn tỉnh có 457 cơ sở homestay trong đó tập chung chủ yếu tại Sa Pa (355 hộ) huyện Bắc Hà (53 hộ), huyện Bát Xát (30 hộ), huyện Bảo Yên (18 hộ), thành phố Lào Cai (1 hộ). Các nhà nghỉ lưu trú tại gia cơ bản đã đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ lưu trú như: chăn, ga, gối, đệm, buồng ngủ, nhà vệ sinh, bếp nấu ăn… đáp ứng nhu cầu tối thiểu khi khách lưu trú tại gia đình. Tỉnh Lào Cai đang triển khai 08 mô hình thí điểm cấp tỉnh về du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn trong đó 01 mô hình do đơn vị cấp tỉnh chủ trì, 07 mô hình do đơn vị cấp huyện chủ trì.
Trong chuyến thăm quan bản Tả Van Giáy, xã Tả Van, thị xã Sa Pa, chúng tôi không chỉ ấn tượng về cảnh những bản làng êm đềm, lãng mạn trong màn sương giăng mờ ảo, thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp độc đáo nằm kề bên là suối Mường Hoa chảy róc rách đêm ngày mà còn ấn tượng với sự mến khách của bà con nơi đây. Ghé quán Hà Mèo, ở đầu bản Tả Van, nơi có cây cầu Mây vắt ngang suối Mường Hoa nổi tiếng trong và ngoài nước. Chúng tôi bị thu hút ngay bởi những bộ áo váy của người dân bản địa thấp thoáng trên cây cầu Mây và thu hút hơn nữa bởi sự mến khách của ông Lê Văn Hà (hơn 70 tuổi), chủ quán Hà Mèo.
Cũng tại đây chúng tôi gặp chị Phan Thị Thơm, du khách đến từ thị xã Mỹ An, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Hai vợ chồng tôi nhiều lần đến thị xã Sa Pa, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi có chuyến tham quan trải nghiệm tại bản Tả Van thật thú vị. Nơi đây khác nhiều so với các thành phố lớn đông đúc. Chúng tôi được đắm mình vào không khí thanh mát, tìm hiểu các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, được tham quan cây cầu Mây nổi tiếng trước đây chỉ biết đến trên sách báo. Con người nơi đây cũng rất thân thiện, mang lại cảm giác rất thoải mái.
Việc khai thác lợi thế sẵn có để phát triển du lịch ở địa phương thông qua các giá trị văn hóa, tập quán của người dân cũng được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện. Trong mấy năm trở lại đây, địa danh Nghĩa Đô của huyện Bảo Yên nổi nên với việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, tập quán của đồng bào dân tộc Tày cùng với cảnh quan thiên nhiên ưu đãi trở thành điểm đến du lịch sinh thái không chỉ của du khách trong ngoài tỉnh mà còn thu hút đông đảo du khách nước ngoài đến tham quan trải nghiệm. Ông Hoàng Văn Nha, nhà ở bản Hón, xã Nghĩa Đô cho biết: Từ năm 2014 đến nay đã có nhiều đoàn du khách nước ngoài, nhiều nhất là người Pháp, đã đến du lịch, ăn ở, thậm chí ăn Tết cổ truyền cùng gia đình.
Du khách trải nghiệm làm nông tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên. Ảnh Gordon Nguyễn
Bên cạnh việc phát đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP mang nét đặc trưng của từng địa phương để khách du lịch trải nghiệm, mua làm quà biếu, quà tặng trong thời gian qua được tỉnh Lào Cai tập trung thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh Lào Cai có 196 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 10 sản phẩm 4 sao và 186 sản phẩm 3 sao, với số lượng 94 chủ thể. Các sản phẩm này đang ngày càng dành được sự quan tâm, ưa chuộng của người tiêu dùng cũng như du khách tới tham quan tại Lào Cai.
Dù đạt được kết quả đáng khích lệ trong phát triển du lịch nông thôn, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là việc phát triển loại hình du lịch canh nông do còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác quy hoạch, định hướng phát triển, tiêu chí đánh giá chất lượng và năng lực quản lý.
Trước thực trạng đó, năm 2023, tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025. Theo đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh Lào Cai thực hiện 05 nhiệm vụ và giải pháp, đó là: Xây dựng các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn; Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn; Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn. Trong đó đáng chú ý, tỉnh Lào Cai sẽ xây dựng 07 mô hình thí điểm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai.
Chia sẻ về những giải pháp trước mắt và lâu dài để nâng tầm được ngành du lịch Lào Cai trong thời gian tới, bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh Lào Cai sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc sắc, gắn với văn hóa cộng đồng; nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phát triển du lịch văn hóa; đặc biệt phát huy vai trò và lợi ích của cộng đồng trong khai thác phát triển văn hóa với du lịch.
Với việc định hướng rõ ràng từ phía chính quyền, tin tưởng rằng du lịch nông nghiệp, nông thôn của Lào Cai sẽ có được nhiều thành công, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững./.