Phát biểu tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội Bùi Đức Thuận thông tin, UBND huyện Mỹ Đức đang trình phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức và phương thức quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương), huyện Mỹ Đức với những giải pháp, mục tiêu cụ thể. Nổi bật là địa phương đặt mục tiêu từ năm 2024-2025, khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương) trở thành khu du lịch cấp thành phố; phấn đấu đến năm 2030, thành Khu du lịch quốc gia, là một trong những trung tâm du lịch của Thủ đô và cả nước, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Phó Chánh Văn phòng Bùi Đức Thuận cho biết, trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức xác định nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý hoạt động du lịch để bảo đảm tính chuyên nghiệp, phù hợp với các tiêu chí của khu du lịch chất lượng cao, đáp ứng các điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia. Trong đó, Sở tiếp tục định hướng phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch để phát huy giá trị di tích và kết nối du lịch với các khu vực lân cận; phối hợp UBND huyện Mỹ Đức quảng bá, giới thiệu quần thể Hương Sơn tới du khách trong và ngoài nước; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch để thu hút du khách.
Trong Lễ hội chùa Hương 2024 diễn ra từ ngày từ ngày 11/2 đến hết ngày 1/5/2024 (từ mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 23 tháng Ba năm Giáp Thìn), Sở Du lịch sẽ phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức và các ngành chức năng của thành phố đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, giữ gìn môi trường du lịch; hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh du lịch…
Tại buổi tập huấn, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn đã hướng dẫn người dân xã Hương Sơn (trong đó có rất nhiều người trực tiếp tham gia phục vụ lễ hội) tác phong ứng xử du lịch văn minh với du khách. Người dân được học cách giao tiếp để làm hài lòng du khách cũng như ý thức trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ khách để Lễ hội chùa Hương tới đây diễn ra văn minh, an toàn, góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch Thủ đô.
Hà Nội hiện có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa trong đó Chùa Hương là một trong 11 di tích quốc gia đặc biệt tại Hà Nội. Chùa Hương là một quần thể văn hóa tôn giáo, gồm nhiều ngôi chùa, đền, đình… Đây là những giá trị to lớn để phát triển du lịch.
Thời gian qua, di tích chùa Hương đã được đầu tư, đổi mới cơ chế quản lý, phát huy, bảo tồn, khai thác giá trị di tích, cảnh quan. Công tác quản lý du lịch từng bước đi vào nề nếp, được đông đảo du khách đồng tình, ủng hộ, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Năm 2023, nơi đây đã đón hơn 1 triệu lượt khách.
Trung tâm Thông tin du lịch