Xã Thái An cách trung tâm huyện Quản Bạ 29 km, toàn xã có 6 thôn, 575 hộ, 2.858 nhân khẩu với 97% là đồng bào dân tộc Mông. Kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân xã Thái An đã thay đổi tư duy, lưu giữ, phát triển các sản phẩm đan lát phục vụ đời sống sinh hoạt thành sản phẩm hàng hóa, vừa đem lại nguồn thu nhập cho người dân vừa giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc.
Sản phẩm đan lát được đoàn viên, thanh niên xã trưng bày tại các sự kiện lễ hội của huyện
Biết đan lát từ khi còn nhỏ, anh Hạng Văn Thề, thôn Séo Lủng 1, là một trong những đoàn viên, thanh niên tiêu biểu của xã còn giữ gìn nghề đan lát, gặp gỡ anh tại Lễ hội Đan lát tại địa phương, nhịp nhàng tay bắt nan trúc anh chia sẻ: “Bên cạnh việc trồng ngô, Tam giác mạch, chăn nuôi thì gia đình tôi còn đan các vật dụng cần thiết cho đời sống hàng ngày như quẩy tấu, rổ, rá, sọt, sàng, nia…Nghề này đã có từ thời các cụ để lại, hồi nhỏ nhìn bố mẹ làm rồi bắt chước theo, tôi dần biết đan các vật dụng từ đơn giản đến phức tạp. Trong đó chiếc quẩy tấu là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người Mông. Một chiếc quẩy tấu đẹp chỉ cần đan trong vòng 1 ngày, tùy kích cỡ, bán được giá từ 100.000 – 150.000 đồng. Nhờ nghề đan quẩy tấu giúp gia đình tôi có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống”.
Nghề đan lát đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, các nan đan cho đến khâu cuối cùng hoàn thành sản phẩm. Phải chọn cây trúc thẳng đều từ 1 – 5 tuổi, không bị gãy ngọn. Công đoạn vót, chẻ nan cũng mang yếu tố quyết định để hoàn thiện một sản phẩm đẹp. Chẻ nan mỏng hay dày tùy thuộc vào sản phẩm được đan. Chẻ nan xong phải chuốt nan có độ mềm, nhẵn và đều nhau, để khi đan các nan khít vào nhau và không tạo ra khe hở, như vậy sản phẩm mới chắc, bền, đẹp. Kỹ thuật đan cũng rất đa dạng, tùy theo sản phẩm để đan lóng mốt, lóng đôi, đan ô vuông, lồng ngang dọc, đan bắt chéo, đan hình quả trám để tạo hoa văn cho sản phẩm thêm thẩm mỹ. Sau khi hoàn thiện sản phẩm, người dân thường gác lên bếp để hun khói khoảng vài tháng nhằm giữ cho vật dụng được bền hơn.
Đồng chí Ma Mí Phong, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thái An cho biết: “Để bảo tồn nét văn hóa cũng như nghề thủ công truyền thống của người dân tộc Mông, thời gian qua Đảng ủy, chính quyền xã đã tích cực tìm kiếm các đơn vị bao tiêu sản phẩm đảm bảo nguồn thu ổn định hơn cho bà con. Đồng thời, phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề nhằm từng bước tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương. Xã mong muốn các cấp, ngành, các doanh nghiệp, các cửa hàng, dịch vụ du lịch tạo điều kiện hỗ trợ thêm về vốn, kỹ thuật, giúp đỡ quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm đan lát để nghề ngày càng có chỗ đứng, phát triển bền vững; khuyến khích thế hệ trẻ học nghề đặc biệt là đoàn viên, thanh niên để từ đó bảo tồn phát triển nghề đan lát truyền thống của nhân dân. Đến nay trên địa bàn xã đã có 1 nhóm sở thích duy trì nghề đan lát của dân tộc Mông tại thôn Lùng Hẩu. Để quảng bá sản phẩm từ nghề đan lát, xã Thái An đã tổ chức Lễ hội Đan Lát gắn với hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày và giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trưng bày sản phẩm như quẩy tấu, sọt, nia tại các lễ hội trên địa bàn huyện, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội…”.
Nghề đan lát không chỉ là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Mông xã Thái An, mà còn là nét văn hóa cần được khôi phục, bảo tồn. Từ đó tôn thêm vẻ đẹp thiên nhiên, con người, tiềm năng của huyện Quản Bạ nói chung, xã Thái An nói riêng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thời gian tới, địa phương rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các công ty, doanh nghệp trong việc gắn nghề đan lát thủ công với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm truyền thống đặc trưng với khách du lịch tới tham quan. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống./.
Bài, ảnh: Nguyễn Dịu
Báo Hà Giang – baohagiang.vn