Khám phá vẻ đẹp Thác Hòa Bình
Từ ngã ba Dầu Giây theo quốc lộ 20 đi Ðà Lạt, khoảng 70km là đến địa phận xã Phú Sơn có thác Hòa Bình – chùa Linh Phú. Theo đường đi lên phía bên trái của chùa Linh Phú, với độ cao của đỉnh thác lên đến khoảng 300m, vào mùa mưa, những ngày nước lớn trông từ xa, dòng thác tựa như một dải lụa trắng trải dài vắt ngang qua núi. Theo truyền thuyết, đây là nơi hẹn hò của một đôi trai gái, nhưng do sự phân biệt, cản trở của hai bộ tộc, họ không thể lấy nhau được nên đến đây than khóc, nước mắt của họ được chảy thành dòng thác, tiếng thác chảy như tiếng khóc than ai oán để làm tăng thêm sự huyền bí của chốn thiên nhiên này.
Từ phía dưới chân núi nhìn lên, thác Hòa Bình có một vẻ đẹp lung linh và huyền ảo với làn sương che phủ quanh năm ở đỉnh thác, lẫn trong khoảng thăm thẳm của mây trời, thỉnh thoảng có những đôi chim sải cánh nhẹ nhàng tìm về tổ ấm. Có thể lên tham quan và khám phá thác bằng cách băng lên đỉnh thác từ hướng đồi Sầu Riêng. Con đường này tương đối dễ đi nhưng cái thú du ngoạn từ trên đỉnh thác nhìn xuống để xem phong cảnh không đủ sức hấp dẫn với những người ưa thích mạo hiểm. Du khách cũng có thể lựa chọn để đến với đỉnh thác bằng một con đường quanh co, khúc khuỷu và lởm chởm đá. Dường như hướng lên thác quá hiểm trở nên người ta phải mở lối mòn ngay trên những khối đá nhỏ, len lỏi, luồn lách giữa sườn đồi.
Bắt đầu từ đoạn chùa Linh Phú, men theo hướng tiếng thác nước ầm ì khoảng vài trăm mét sẽ đến chân thác, từ khu vực chân thác trở lên, đoạn đường càng hiểm trở, có những đoạn dốc chênh vênh với lối mòn vắt vẻo sát sườn đồi. Men theo từng gờ đá, đu níu các cành cây, dây leo, di chuyển từng bước một, chỉ cần sơ suất là có thể trượt chân ngã xuống triền núi, nhưng hình như càng mạo hiểm thì càng tăng cảm giác thú vị. Dòng thác tuyệt đẹp dường như cứ thúc giục bước chân người hành trình lên phía trước. Ðến tầng thác thứ hai thì ngay cả lối đi men sườn thác cũng không còn nữa, muốn lên đến đỉnh thác chỉ còn cách duy nhất là tiến vào khu vực lòng thác rồi tìm cách bám đá trèo ngược lên thượng nguồn. Nếu như cảm thấy mệt, du khách có thể tựa lưng vào vách đá để được tận hưởng một không khí núi đá mát lạnh tỏa ra, ta như được hòa mình vào với thiên nhiên, tạo thêm sức mạnh để tiếp tục khám phá với những tầng thác tiếp theo.
Tiếp tục với cuộc hành trình đi tìm những bí ẩn của ngọn thác hoang sơ, tùy theo sự tưởng tượng của mỗi người, ta có thể nhìn thấy những hình mõm đá dọc theo vách núi tựa như đầu của những con cá sấu, con cọp hoặc một số động vật hoang dã khác. Tầng thác thứ ba là điểm dừng chân lý tưởng của quá trình khám phá ngọn thác Hòa Bình. Ở nơi đây, nhất là vào những ngày lễ, Tết rất đông du khách đến tham quan, vui đùa và thỏa thích thưởng thức “sản vật” tự nhiên của bà con các dân tộc ở địa phương.
Ðến thượng nguồn của ngọn thác, sau một hành trình vất vả, ta có thể đùa giỡn bên dòng nước trong vắt hay nằm dài trên phiến đá để cảm nhận bầu không khí lành lạnh tỏa ra từ khí đá. Chính không khí trong lành của núi rừng giúp cho tinh thần ta thật sảng khoái và mọi nỗi ưu phiền dường như hoàn toàn tan biến. Ðứng trên đầu ngọn thác, mở rộng tầm mắt bạn sẽ thỏa thuê ngắm nhìn phong cảnh trữ tình: rừng lá hòa cùng màu xanh bao la của trời. Phía đầu nguồn, dòng nước ào ạt tuôn đổ đêm ngày tựa như một dải lụa trắng xóa để tưới mát cho cánh đồng ruộng lúa mênh mông, ẩn hiện giữa thác nước và bạt ngàn cây cối là những mái nhà nhấp nhô hiền hòa của bà con nông dân đang sinh sống. Dưới chân thác là một thung lũng rộng, thấp thoáng cánh cò bay lượn giữa đồng rộng bạt ngàn.
Chùa Linh Phú – điểm du lịch tâm linh
Nằm trong khuôn viên thác Hòa Bình còn có chùa Linh Phú linh thiêng. Chùa được thành lập năm 1957 với diện tích khuôn viên khoảng 50.000m2. Ban đầu Chùa được thầy Thích Từ Châu và 6 vị thầy khác trên đường học đạo thấy phong cảnh nơi đây thanh tịnh nên có ý muốn mở một tu viện để tu học và hành đạo. Chủ đất lúc bấy giờ là một Phật tử có tâm đạo, biết rõ sự việc đã hoan hỷ hiến cúng khu đất khoảng 6 ha để quý thầy sử dụng vào việc hoằng dương chánh pháp. Trong năm đầu, ngôi tịnh thất nhỏ đơn sơ với vách tre, mái lá để làm nơi tu học và lấy tên hiệu là Tu viện Thái Hư. Qua nhiều lần trùng tu và thay đổi trụ trì, đến năm 1987, Tỉnh hội Phật giáo Ðồng Nai đã bổ nhiệm Ðại đức Thích Pháp Cần về trụ trì chùa.
Với lối kiến trúc xây dựng độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo tiêu biểu của Thiền phái Nam Tông và văn hóa dân tộc Việt, hậu khuôn viên chùa là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với hai ngọn núi Phú Sơn cùng thác Hòa Bình bao quanh tạo cho chùa một thế dựa vững chắc. Nơi đây còn giữ gìn được nhiều vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, không khí trong lành mát mẻ, không gian thanh bình và yên tĩnh. Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên trìu mến đã làm cho chùa Linh Phú vừa khang trang vừa cổ kính, u tịch và thanh tịnh của chốn già lam. Trong khuôn viên chùa còn có tượng Vua Hùng được xây dựng và đặt thờ trên một ngọn đồi với 108 bậc cấp đi lên, vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch, từng đoàn người tấp nập lên thắp nhang cúng viếng, tưởng nhớ công ơn của vị Quốc tổ, vì thế, đây được coi là điểm du lịch văn hóa tâm linh, là một nơi nghỉ dưỡng đầy lý tưởng.
Nếu muốn thực hiện tour khám phá thác Hoà Bình – chùa Linh Phú, bạn cần nhớ phải chọn trang phục gọn gàng, đi giày thể thao để có độ bám tốt. Nếu là người có tâm hướng Phật, bạn có thể ghé chùa Linh Phú tham quan, dùng cơm chay với các vị thiền sư và tìm hiểu về dòng thiền phái Nam tông. Cửa Phật nơi đây luôn rộng mở để chào đón khách thập phương. Nếu là người thích tìm hiểu chùa chiền thì Linh Phú với dòng Thiền phái Nam tông, được xây dựng theo lối kiến trúc chùa Khơ Me cổ rất ít gặp ở miền Ðông sẽ đem đến những ấn tượng khó phai mờ.
Lê Ánh