Đỉnh La Vuông như một bình nguyên thênh thang, từ nơi đây phóng mắt về phía dưới là đồng bằng, là biển.
Đường lên La Vuông không dễ! Nhắc trước để những ai có ý định đến nơi này phải lên kế hoạch trước: chọn thời điểm, phương tiện di chuyển, tư trang cần thiết và nên liên hệ với người thạo đường ở địa phương để đảm bảo an toàn cho chuyến đi. Nhắc như vậy là vì cung đường chỉ chừng 7 km, tính từ UBND xã Hoài Sơn lên tới đỉnh La Vuông, di chuyển bằng ô tô chuyên dụng, trong một ngày đẹp trời, đoàn khảo sát chúng tôi mất gần 2 giờ đồng hồ.
La Vuông còn hoang sơ, điểm hấp dẫn chính là thiên nhiên, là khí hậu mát lạnh. Rừng La Vuông có khá nhiều cẩm tú cầu, mùa này đang nở rộ. Trên La Vuông không có điểm lưu trú, cũng không có nhà dân.
Lần đầu tiên đi La Vuông, hành trang mang theo của chúng tôi là quần áo ấm, áo mưa, nước uống, lương khô và dĩ nhiên là võng ngủ rừng. Trời tháng 6 nắng như thiêu, dưới chân núi La Vuông, anh cán bộ kiểm lâm dẫn đường thúc giục mọi người lên xe đi sớm. Anh nói, độ cao, khoảng cách và rừng già bao phủ, biến La Vuông giống như một nơi nào đó ở xứ sở có khí hậu ôn đới. Dưới này nắng cháy, nhưng trên La Vuông tầm này nhiệt độ xuống rồi đó, chỉ chừng 25 độ thôi. Chỉ cách vài cây số thôi nhưng chênh lệch nhiệt độ khá nhiều và đột ngột. Mùa này, trời chiều trên La Vuông hay có mưa dông. Theo chân người dẫn đường, đoàn chúng tôi 15 người phân chia nhau đi từng chặng. Ai khỏe chân đi bộ, ai chưa quen ngồi xe, bên này rung, bên kia lại giật. Ngó lên là thăm thẳm đường dốc, ngó xuống là vách núi chênh vênh, đường lên La Vuông là vậy.
Với những người yêu thích thiên nhiên, lên La Vuông chính là tìm về với rừng núi hoang sơ. Khi chúng tôi lên tới La Vuông, trời đã ngả về chiều, gió núi rung rinh những khóm hoa mua, sim tím, có lẽ nhiều người cũng sẽ như tôi, thấy một trời ký ức tuổi thơ ùa về. Đó là những ngày lang thang, chạy dọc những triền đồi, triền dốc quê mình, tìm những quả sim chín mọng núp dưới cành lá; đó là những ngày lùa trâu lên núi, thả hồn dưới bóng mát cây rừng, ngắm mây bay ngang trời.
Khí hậu đặc trưng ôn đới nên ở La Vuông bạn có thể thấy cẩm tú cầu khoe sắc.
Ở La Vuông, tôi đã thấy sương chiều, gió núi vờn qua tóc. Sương sà xuống, thật gần, thật gần, rồi bao phủ cả ngọn đồi. Hoàng hôn trên đỉnh La Vuông chính là khoảnh khắc diệu kỳ, rung động như thế. Một điều thú vị mà những ai đã đặt chân lên đỉnh La Vuông, đó là khoảng thời gian được nhìn, ngắm trời đêm lấp lánh và có cảm giác được đi ngủ giữa muôn ngàn vì sao. Trong khung cảnh này, khoảnh khắc này, một bếp lửa bập bùng nhóm lên, những con người thích xê dịch, trước lạ giờ đã nên quen. Chúng tôi ngồi cạnh nhau, trò chuyện và tận hưởng những khoảnh khắc được tan ra giữa đêm rừng La Vuông.
Đã tới đỉnh La Vuông, phải chăng nên đi tìm Trường Lũy? Đề nghị của một người bạn được cả nhóm ủng hộ. Lũy đá này nằm sâu trong núi Chúa, anh bạn người địa phương kể – Trường Lũy bây giờ không còn nguyên vẹn, nó không được nối liền nhau xuyên qua những cánh rừng, nhiều đoạn đứt gãy, đoạn bị vùi lấp do ảnh hưởng trong quá trình canh tác. Song, có ba điểm Trường Lũy còn khá nguyên vẹn, đủ sức để các bạn thỏa trí tò mò. Đó là Lũy Thứ, điểm gần nhất, dễ đi nhất trong đoạn Trường Lũy ở La Vuông này; tiếp đến là đoạn lũy chạy qua núi Hòn Bồ, rồi đoạn lũy ở núi Chúa.
Đừng bỏ lỡ di tích Trường Lũy trong chuyến hành trình khám phá La Vuông.
Hành trình khám phá La Vuông 1 ngày 1 đêm của đoàn chúng tôi là được trải nghiệm thiên nhiên và tìm kiếm dấu tích của hệ thống Trường Lũy Quảng Ngãi – Bình Định nổi tiếng.
Song, La Vuông không phải là điểm đến hấp dẫn theo trào lưu, nơi đây chỉ thực sự dành cho những người thích xê dịch, khám phá tự nhiên và có thể thích nghi với việc du lịch trải nghiệm. Nếu bạn muốn có những khuôn hình check-in kỳ ảo để khoe với bạn bè, có lẽ bạn không nên lên La Vuông. Nhưng nếu bạn muốn làm tươi tâm hồn mình, muốn cảm nhận đang ở rất gần với những vì sao, muốn cảm nhận sương rừng, gió núi như xuyên qua mình hun hút, để tìm lại sự thư thái, tan chảy trong thiên nhiên thì bạn nên đến với La Vuông.
Để có thể tìm thêm những trải nghiệm thú vị trong hành trình này, bạn nên kết hợp về thăm bến tàu không số Lộ Diêu (Hoài Mỹ) – ngắm xứ dừa và trải nghiệm các công đoạn chế biến đặc sản dừa ở HTXNN Ngọc An (Hoài Thanh Tây) – lên núi La Vuông đón sương chiều, ngắm hoàng hôn và lần theo di tích Trường Lũy.
Thu Dịu