Tạo điểm nhấn cho du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Du lịch sinh thái miệt vườn là loại hình du lịch đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng chưa có sự liên kết giữa các địa phương, các công ty du lịch lữ hành, người dân... nên chưa có sự đa dạng về sản phẩm, hình thức thu hút khách đến với nơi đây.
 
Một góc chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Ảnh: TTXVN
Nhiều sản phẩm tạo điểm nhấn
 
Qua 6 tháng đầu năm 2019, kết quả phát triển du lịch ở nhiều địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long cho thấy những tín hiệu vui, thể hiện sự khởi sắc của ngành kinh tế tổng hợp ở các địa phương trong khu vực.
 
Cụ thể, 6 tháng qua, du lịch thành phố Cần Thơ đón 4,9 triệu lượt du khách, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ năm 2018, doanh thu từ du lịch tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Tại tỉnh Đồng Tháp, theo báo cáo của UBND tỉnh, lượng du khách đến xứ Sen hồng trong 6 tháng đầu năm đã đạt 1,95 triệu lượt, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2018.
 
Tương tự, tại tỉnh Bạc Liêu, doanh thu du lịch – dịch vụ đạt khoảng 1.144 tỷ đồng, tăng hơn 56% so với cùng kỳ năm 2018. Với đà tăng trưởng đạt được, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2019 đạt doanh thu hơn 2.200 tỷ đồng từ du lịch.
 
Để du lịch phát triển bền vững, tránh sự trùng lặp giữa các địa phương, mỗi tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, tạo điểm nhấn để ghi dấu ấn với du khách.
 
Thành phố Cần Thơ tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện), tổ chức các lễ hội, sự kiện như lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, Ngày hội Du lịch “Vườn trái cây Tân Lộc” năm 2019 với chủ đề “Sa Châu mùa trái ngọt” tại cù lao Tân Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt…
 
Đồng Tháp – địa phương nằm trong Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Đông đồng bằng sông Cửu Long lại chọn hướng tiếp tục đầu tư nâng cấp các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng và địa phương, duy trì và nâng cao chất lượng các điểm du lịch tiêu biểu.
 
Tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư, phát triển các khu du lịch sinh thái nông nghiệp; tập trung phát triển mạnh du lịch cộng đồng, giới thiệu du khách đến tham quan các vườn cây ăn trái như: Vườn quýt Lai Vung, vườn hoa Sa Đéc, tham quan vườn xoài, vườn sầu riêng, vườn táo ở thành phố Cao Lãnh…
 
Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, dự kiến từ ngày 10 – 14/7, tỉnh tổ chức Tuần lễ Văn hóa du lịch Đồng Tháp với chủ đề ”Tình người thắm đượm hồn sen”. Tuần lễ này sẽ có nhiều hoạt động ấn tượng, góp phần tạo sự mới lạ, là điểm nhấn thu hút du khách với nhiều hoạt động mang tính liên kết giữa hai địa phương là thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) và thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) như biểu diễn hò Đồng Tháp, đờn ca tài tử, biểu diễn bài chòi Trung Bộ, hội thi viết thư pháp trên lá sen, trình diễn các nghề thủ công, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp an toàn…
 
Tỉnh Kiên Giang ngoài điểm đến nổi tiếng Phú Quốc với các sản phẩm liên tục được bổ sung như sản phẩm du lịch đám cưới quốc tế, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái còn có một số điểm đến đang trở thành điểm nhấn thu hút du khách.
 
Điểm đến quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải) được mệnh danh là “Hạ Long của Phương Nam”. Đến đây, du khách sẽ được tham quan ngọn Hải đăng Nam Du, đượ trải nghiệm các hoạt động lặn biển ngắm san hô, chèo thuyền, lướt sóng bằng ca nô…
 
Chính nỗ lực đổi mới các sản phẩm du lịch đang từng bước giúp các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long thoát khỏi định kiến các sản phẩm du lịch trùng lặp khiến du khách “đi một nơi là có thể biết cả vùng”.
 
Chị Đặng Thu Hiền, du khách đến từ quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: Cách đây 3 năm, khi lần đầu tiên đi du lịch Cần Thơ với những điểm đến là chợ nổi Cái Răng, Thiền viện Trúc lâm Phương Nam…, chị đã được một số người bạn tư vấn “chỉ nên đến một lần cho biết ”.
 
Năm nay, trở lại du lịch Cần Thơ vào đúng dịp diễn ra Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, chị đã có thêm nhiều trải nghiệm rất thú vị ở vùng đất Tây Đô như được gặp gỡ các nghệ nhân làm bánh nổi tiếng, được trải nghiệm cách làm và thưởng thức nhiều món ăn, độc đáo. Chị Hiền cho rằng, nếu các điểm đến du lịch liên tục được bổ sung và có những hoạt động trải nghiệm mới, tạo được ấn tượng đặc biệt, chắc chắn du khách sẽ còn quay trở lại.  
 
Tăng cường liên kết nâng chất lượng dịch vụ
 
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long Trần Việt Phường, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được các thành viên Hiệp hội thực hiện là đẩy mạnh chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch toàn vùng và hai cụm liên kết phía Đông và phía Tây đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp thực hiện quy hoạch khu du lịch quốc gia và sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.
 
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp với vai trò là Cụm trưởng năm 2019 của Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Đông đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Trà Vinh đã  xây dựng chương trình liên kết giữa cụm với Thành phố  Hồ Chí Minh.
 
Theo đó, các địa phương thuộc cụm cùng với Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ thông tin, triển khai hoạt động phát triển sản phẩm mới và thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến du lịch và kêu gọi đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng môi trường du lịch xanh – sạch – an toàn, nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của việc phát triển du lịch, đồng thời phối hợp  kiểm tra, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực và vi phạm pháp luật trong hoạt động du lịch.
 
Các địa phương trong cụm, các doanh nghiệp lữ hành cũng phối hợp triển khai nhiều hoạt động như từng bước xây dựng một chương trình du lịch chung mang tên “Nét đẹp của vùng sông nước miệt vườn” với chính sách hỗ trợ đặc biệt từ các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu trú, ăn uống, tham quan, vui chơi giải trí… tại các địa phương để quảng bá, thu hút du khách.
 
Đại diện Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, mới đây, trong khuôn khổ hội thảo “Tiềm năng và Giải pháp phát triển Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách trên nền tảng phát triển du lịch nông thôn” diễn ra tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, Công ty và  UBND tỉnh Bến Tre đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch tỉnh Bến Tre.
 
Đây được xem là một trong những hoạt động động tích cực góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại tỉnh Bến Tre – một địa phương nằm trong cụm liên kết phát triển du lịch phía Đông đồng bằng sông Cửu Long.
 
Những nội dung hợp tác chính đã được hai bên ký kết như: Hợp tác xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre nhằm mục tiêu phát triển du lịch;  tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá du lịch Bến Tre; tổ chức hoạt động đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại Bến Tre…
 
Đại diện Saigontourist cũng đã tham gia chuyến famtrip (du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre tổ chức khảo sát các sản phẩm du lịch tại các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Long Thới thuộc huyện Chợ Lách.
 
Đây là các điểm du lịch dự kiến sẽ được đầu tư xây dựng và phát triển thành Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại Bến Tre.
 
Theo bà Huỳnh Ngọc Hoàng Anh, Phòng Tiếp thị và Truyền thông, Saigontourist, hiện Lữ hành Saigontourist là một trong những công ty lữ hành chủ lực trong việc đưa du khách trong nước và quốc tế đến Bến Tre nói riêng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
 
Đặc biệt, Saigontourist đang khai thác mạnh nguồn khách quốc tế theo đường hàng không, đường biển và đường sông từ cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các sản phẩm đa dạng từ đơn tuyến như Mỹ Tho (Tiền Giang), Vĩnh Long dành cho khách tàu biển cho đến liên tuyến Mỹ Tho (Tiền Giang) – Cái Bè (Tiền Giang) – Vĩnh Long – Sa Đéc (Đồng Tháp) – Châu Đốc (An Giang) dành cho khách tàu sông.
 
Thanh Trà