Thác Mu – xã Tự Do (Lạc Sơn) là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách.
Du lịch Hòa Bình được biết đến với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo, giàu giá trị lịch sử, văn hóa như: Khu du lịch hồ Hòa Bình, du lịch cộng đồng, văn hóa, sinh thái Mai Châu, suối Khoáng (Kim Bôi), chùa Tiên (Lạc Thủy), quần thể hang động núi đầu Rồng (Cao Phong), đền thờ Chúa Thác Bờ (Đà Bắc)…
Khi đã từng bước khẳng định thương hiệu, lượng du khách đến với tỉnh ngày một tăng. Năm 2018, tỉnh đón 2,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 300.000 lượt khách quốc tế; năm 2019 đón 3,1 triệu lượt khách, có 406.384 lượt khách quốc tế. Lượng khách này đã đưa du lịch Hòa Bình lên vị trí top 10 trong cả nước về số lượng khách thăm quan.
Tuy nhiên, do có địa bàn giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, mặt khác, chưa xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch để phục vụ, bởi vậy, khách đến lưu trú ở Hòa Bình thường trong thời gian ngắn và ít mua sắm, dẫn đến doanh thu du lịch chưa cao (năm 2019, tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.152 tỷ đồng).
Xác định rõ tiềm năng du lịch còn hết sức dồi dào, những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm thu hút các nhà đầu tư để phát triển du lịch, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển các loại hình du lịch, góp phần xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn; từng bước đưa ngành công nghiệp không khói phát triển nhanh, bền vững, đưa Hòa Bình trở thành trung tâm văn hóa, nghỉ dưỡng, trải nghiệm chất lượng cao của khu vực và thế giới.
Hiện, ngoài các điểm du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái…, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Serena (Kim Bôi), Mai Châu Ecolodge (Mai Châu), sân golf Phượng Hoàng (Lương Sơn), Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam (Cao Phong). Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, chất lượng kinh doanh được nâng lên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong, ngoài nước. Đến nay, toàn tỉnh có 434 cơ sở lưu trú, với 39 khách sạn, còn lại là nhà nghỉ, homestay du lịch cộng đồng.
Cuối năm 2019, Ban chỉ đạo Du lịch tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, các giải pháp để phấn đấu năm 2020 Hòa Bình đón được 3,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 500.000 lượt khách quốc tế. Thu nhập từ du lịch đạt 2.500 tỷ đồng. Chỉ tiêu đề ra như vậy, nhưng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong quý I, Hòa Bình đón khoảng 560.000 lượt khách (khách quốc tế 62.000 lượt, khách nội địa 498.000 lượt), so với cùng kỳ năm trước đạt 54,9%, đạt 17% kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch ước đạt 380 tỷ đồng, đạt 73,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 15,2% kế hoạch năm.
Để khởi động lại hoạt động của ngành du lịch khi đại dịch Covid-19 đi qua, từ đầu năm đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành, triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020. Tham mưu Ban chỉ đạo Du lịch tỉnh giao chỉ tiêu phát triển du lịch năm 2020 cho các huyện, thành phố. Phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, người dân kinh doanh dịch vụ du lịch tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo ANTT, an toàn cho du khách đến các khu, điểm du lịch, lễ hội. Tổ chức hội nghị bàn giải pháp ứng phó với những khó khăn trong hoạt động kinh doanh du lịch do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Đồng chí Bùi Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình hành động, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về du lịch tại các địa phương. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Tổ chức đi học tập mô hình quản lý, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch. Xây dựng, lắp đặt biển quảng bá du lịch trên khu du lịch hồ Hòa Bình. Tập huấn kỹ năng về dịch vụ du lịch nông thôn, thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực du lịch theo kế hoạch. Tổ chức hội nghị trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc do tác động của dịch Covid-19 đến ngành du lịch tỉnh. Trước mắt, tham mưu UBND tỉnh phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Đồng thời, thông tin rộng rãi về việc mở cửa các điểm du lịch, mức độ an toàn, sẵn sàng thu hút khách du lịch, xây dựng các quy định hướng dẫn đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch, khách du lịch, người lao động và cộng đồng người dân địa phương. Tham mưu, thực hiện các hoạt động nhằm tăng tính hấp dẫn các gói kích cầu du lịch. Vận động doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, góp phần vực dậy ngành công nghiệp không khói của tỉnh trong thời gian sớm nhất.
Thúy Hằng