Khu DLST “Cổng trời Đông Giang” sở hữu khung cảnh thiên nhiên hoang sơ. Ảnh: C.T
Tiềm năng phong phú
Đông Giang có 16 thành phần dân tộc anh em đang sinh sống, trong đó người Cơ Tu chiếm hơn 76% tỷ lệ dân số. Đồng bào Cơ Tu còn lưu giữ các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quý giá.
“Đối với văn hóa phi vật thể, nghệ thuật biểu diễn truyền thống múa tân tung da dá, nói lý, hát lý, nghề dệt thổ cẩm được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ và đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, ông Đỗ Hữu Tùng chia sẻ.
Đồng bào Cơ Tu còn sở hữu di sản văn hóa vật thể tiêu biểu, có giá trị trong đời sống sinh hoạt như mô hình làng cổ, gươl, hòm đôi, cột nêu, bộ khiên giáo, các loại nhạc cụ, trống, chiêng, gùi nữ, gùi nam, nỏ, tên, mâm mây, giỏ tuốt lúa, khung dệt vải, trang phục, trang sức nam nữ.
Ngoài ra, các bài tế, cúng hay lễ hội ăn mừng lúa mới, lễ đoàn kết vẫn được lưu truyền đến ngày nay. Nhiều năm qua, Đông Giang đã bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu gắn với phát triển du lịch, điển hình là DLCĐ. Các điểm DLCĐ gắn với làng nghề, như làng DLCĐ thôn Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn), làng DLCĐ thôn Đhrồng (xã Tà Lu) thành hình và được du khách biết đến.
Theo ông Đỗ Hữu Tùng, thiên nhiên đã ban tặng cho Đông Giang tiềm năng lớn để phát triển DLST, đó là cảnh quan tươi đẹp, sinh động của sông, suối, rừng cây, sản vật bản địa. Điển hình là 2 xã Mà Cooih và Kà Dăng sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, quần thể hang động – thác – suối đẹp như tranh vẽ và hàng trăm loài thực vật được bảo tồn, lai tạo. Ven làng DLCĐ thôn Bhơ Hôồng có suối khoáng nóng A Păng trong vắt. Nhiệt độ nước ở cuối dòng và đầu nguồn con suối A Păng là 520C, khu vực ở giữa dưới 500C, thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh, thuận lợi cho phát triển chuỗi DLST và DLCĐ.
Tiềm năng du lịch phong phú của Đông Giang đã thu hút các doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội và được UBND tỉnh chấp thuận cho đầu tư, như khu DLST Cổng trời Đông Giang, khu DLST Trường Sơn – Sông Bung (xã Mà Cooih), khu phức hợp Fivitel Prao (thị trấn Prao), khu DLST nghỉ dưỡng cao cấp Tây Bà Nà (xã Ba), khu DLST suối khoáng nóng A Păng. Trong đó, nhà đầu tư đang thực hiện gần hoàn thiện giai đoạn 1 khu DLST Cổng trời Đông Giang với nguồn vốn 1.000 tỷ đồng. Cổng trời Đông Giang là tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới mẻ.
Còn nhiều thách thức
Việc phát triển du lịch – dịch vụ ở Đông Giang đến nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Theo thống kê, giá trị các ngành dịch vụ 5 năm qua của Đông Giang chỉ đạt hơn 548 tỷ đồng, chiếm gần 22% trong tổng giá trị ngành sản xuất. Đây còn là con số khiêm tốn, đặc biệt du lịch chỉ góp phần nhỏ bé.
Lãnh đạo địa phương chia sẻ, việc phát triển du lịch hiện vẫn gặp nhiều thách thức. Điển hình, một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Ngân sách huyện thì hạn hẹp, chủ yếu hỗ trợ cho tuyên truyền, quảng bá. Trong khi, nguồn lực đầu tư cho du lịch thiếu, kết cấu hạ tầng du lịch chưa đáp ứng, chưa thu hút mạnh nhà đầu tư.
Ngoài ra, trình độ, kỹ năng làm du lịch, kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ của đội ngũ làm DLCĐ yếu và thiếu. Người dân nặng tâm lý ngại tiếp xúc, ngại giao tiếp với người nước ngoài. Chưa kể, đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các dự án du lịch.
Hạ tầng giao thông yếu kém là nhân tố quan trọng khiến nhà đầu tư e dè khi lên Đông Giang. Ví dụ, câu chuyện chọn tuyến đường nào, phương tiện gì để đến được khu DLST Cổng trời Đông Giang một cách thuận lợi, an toàn vẫn đang là câu hỏi khó. Khi mà đường An Điềm – Kà Dăng – A Sờ nối tiếp tuyến ĐT609 hiện quá chật chội, quanh co lại đang bị hư hỏng nặng do mưa lũ. Trong lúc, quốc lộ 14G từ Đà Nẵng lên có mặt cắt nhiều chỗ còn nhỏ hơn đường làng.
Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đông Giang đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy DLCĐ, DLST. Huyện sẽ đẩy mạnh phát triển DLST để thu hút đa dạng nguồn du khách. Nhưng để tháo gỡ những rào cản, Đông Giang kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động du lịch tại các huyện miền núi. Hỗ trợ quảng bá xúc tiến sản phẩm du lịch, sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống; tạo liên kết đầu ra cho các sản phẩm nghề truyền thống.
Địa phương mong mỏi Trung ương và tỉnh tiếp tục bố trí nguồn lực nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14G, đường An Điềm – Kà Dăng – A Sờ để khơi thông ách tắc, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an toàn giao thông nói chung và phục vụ du lịch nói riêng. Đồng thời ngành chức năng cần sớm đầu tư trạm biến áp với công suất trạm hạ thế điện 110kV nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện sinh hoạt, sản xuất ở Đông Giang như hiện nay…
Công Tú