Cô Tô (Quảng Ninh): Phát triển thương hiệu OCOP từ thế mạnh địa phương

Thời gian qua, huyện Cô Tô (tỉnh quảng NInh) luôn quan tâm phát triển sản phẩm OCOP chủ lực, mang thương hiệu của địa phương. Từ đó phát triển thêm nhiều sản phẩm đặc trưng và từng bước đưa sản phẩm OCOP của Cô Tô tiếp tục vươn xa, gắn với việc thúc đẩy du lịch.


Sản phẩm OCOP Cô Tô được bày bán tại Hội chợ và được nhiều người dân, du khách tin tưởng chọn mua.

Để các sản phẩm OCOP địa phương phát huy được hết những đặc trưng riêng có, hằng năm, huyện Cô Tô ban hành các kế hoạch cụ thể thực hiện Chương trình OCOP; đưa ra những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể và phân công trách nhiệm cho từng cá nhân, đơn vị có liên quan để thực hiện. Đồng thời, tập trung bố trí nguồn lực và đẩy mạnh tuyên truyền Chương trình OCOP, Chu trình OCOP hằng năm tới các cơ sở, đơn vị trên địa bàn huyện, qua hệ thống thông tin, như: Cổng thông tin điện tử, loa truyền thanh, các buổi tập huấn, hội nghị, zalo, facebook… Tổ chức để các sản phẩm OCOP địa phương được tham gia các hội chợ OCOP trong tỉnh và toàn quốc, nhằm quảng bá, xúc tiến và giúp doanh nghiệp tìm, phát triển thị trường.

Huyện cũng chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng về OCOP cho cán bộ cấp huyện, cấp xã, lãnh đạo các tổ chức kinh tế tham gia OCOP; thực hiện kiểm tra, rà soát đối với các sản phẩm đã hết hạn sao OCOP theo quy định chuẩn bị hồ sơ để tham gia đánh giá lại các sản phẩm OCOP đã hết hạn và các sản phẩm chưa thực hiện đánh giá xếp hạng; tập trung vào việc nâng cấp mẫu mã, bao bì sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực cấp huyện, cấp tỉnh; xây dựng các clip, hình ảnh thực hiện quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm qua hệ thống mạng; đưa một số sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử…

Nhiều sản phẩm OCOP Cô Tô có sức tiêu thụ lớn và được nhiều người tiêu dùng tin tưởng tìm mua. Điển hình: Sản phẩm OCOP mực ống Cô Tô được huyện tập trung phát triển dưới dạng sản phẩm chủ lực và được đưa vào danh mục sản phẩm chủ lực cấp tỉnh. Tới nay, sản phẩm mực ống Cô Tô đã khẳng định được thương hiệu, giá trị và được người tiêu dùng nhớ đến. Trung bình hằng năm, sản lượng tiêu thụ sản phẩm này là khoảng 1-2 tấn khô/vụ (tương đương khoảng 3-6 tấn tươi/vụ).

Ông Hà Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường và Nông nghiệp huyện Cô Tô, cho biết: Thực hiện phát triển sản phẩm OCOP địa phương, Cô Tô đã thành lập Ban Chỉ đạo chương trình OCOP cấp huyện. Đồng thời, các xã, thị trấn cũng chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn rà soát quy hoạch diện tích, bố trí khu vực sản xuất các sản phẩm OCOP tập trung. Từ đó, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất để đảm bảo các sản phẩm OCOP được sản xuất trong điều kiện tốt nhất, nhằm từng bước tiêu chuẩn hóa và nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm. Huyện cũng chú trọng đến việc triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP cho các hộ kinh doanh, HTX trên địa bàn.

Huyện Cô Tô có 18 sản phẩm OCOP được xếp hạng sao.

Đối với việc phát triển sản phẩm OCOP chủ lực, huyện Cô Tô đã ban hành Nghị quyết về việc phê duyệt danh mục sản phẩm lợi thế huyện Cô Tô từ năm 2020 đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, các sản phẩm là: Ốc đá, ốc màu, cá duội khô, nước mắm, sứa biển (sứa ướp muối, sứa ăn liền). Hiện đã có sản phẩm cá duội khô và sản phẩm nước mắm tham gia vào Chương trình OCOP, sản phẩm sứa ăn liền đã hoàn thiện nhãn mác, bao bì và ý tưởng sản phẩm để trình Văn phòng điều phối NTM tỉnh xem xét, phê duyệt đưa vào Chương trình OCOP.

Với những giải pháp đồng bộ, đến nay trên địa bàn huyện Cô Tô có 9 cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, tăng 2 cơ sở so với năm 2022; phát triển được 66 sản phẩm OCOP, trong đó có 18 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm đạt 4 sao. Mới đây nhất, tháng 10/2023, huyện Cô Tô có 3 sản phẩm trong nhóm thực phẩm được tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2023, gồm: Sản phẩm cơ trai đông lạnh của cơ sở kinh doanh sản phẩm OCOP Lê Thị Trang (thôn 2, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô); mực ống Cô Tô 1 nắng của cơ sở kinh doanh sản phẩm OCOP Vũ Thị Loan (thôn 2, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô); cá đục 1 nắng, HTX Kinh doanh và dịch vụ thủy sản Nam Hải (thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô). Đây đều là các sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Cô Tô, từng bước khẳng định được thương hiệu, giá trị, chất lượng của OCOP Cô Tô.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, tập trung nguồn lực hỗ trợ các sản phẩm OCOP phát triển hơn nữa. Trong đó, chú trọng đến hỗ trợ doanh nghiệp tăng quy mô sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, khuyến khích chế biến sâu… Về phát triển quy mô, huyện sẽ hỗ trợ thủ tục pháp lý trong quá trình thành lập doanh nghiệp, HTX, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, bố trí gian hàng trong Trung tâm Dịch vụ thương mại huyện; ưu tiên mặt bằng sản xuất tại khu dịch vụ hậu cần nghề cá; tập trung chế biến, nâng cao giá trị các sản phẩm thủy sản có lợi thế của địa phương và các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: Hải sâm, mực… Đặc biệt, huyện tăng cường ứng dụng KHCN để phát triển sản phẩm mới và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP hiện có, thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất và kinh doanh để phát triển bền vững.

Minh Đức
Báo Quảng Ninh – baoquangninh.vn