Khách hàng tìm hiểu, chọn mua các sản phẩm của HTX chè Thịnh An (ở thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ) đã được công nhận sao OCOP
Theo thống kê, trong 36 sản phẩm đã được công nhận đạt OCOP của huyện Đồng Hỷ thì có 17 sản phẩm đạt 3 sao, 18 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Các sản phẩm đạt OCOP chủ yếu là nông sản lợi thế của huyện như chè, miến, nem thính… Sau khi được vinh danh, các sản phẩm này đã có thêm nhiều cơ hội tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu ở trong và ngoài tỉnh. Qua đó giúp giá trị kinh tế được nâng lên, góp phần tăng doanh thu cho chủ thể, người dân.
Đơn cử như HTX miến Việt Cường (thị trấn Hóa Thượng) tham gia Chương trình OCOP từ năm 2020 đến nay đã có 4 sản phẩm miến được chứng nhận sao OCOP, trong đó sản phẩm miến dong đạt 5 sao OCOP quốc gia. Giám đốc HTX Nguyễn Văn Ba chia sẻ: Chúng tôi không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp mẫu mã bao bì, từng bước xây dựng thương hiệu, tạo dựng uy tín để khách hàng ngày càng yêu thích, tin tưởng sản phẩm. Có thể nói OCOP như một “tấm vé thông hành”, giúp sản phẩm của HTX dễ dàng lên kệ của các siêu thị lớn, có mặt tại nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. Bình quân mỗi năm HTX cung cấp 400 tấn miến ra thị trường, với doanh thu trên 20 tỷ đồng.
Không riêng HTX miến Việt Cường, nhiều đơn vị HTX, hộ sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn huyện cũng đã nhận thấy giá trị tích cực từ chương trình OCOP và chủ động đầu tư, tham gia. Anh Man Văn Tiến, Giám đốc HTX măng tre lục trúc MTQ (thị trấn Trại Cau) cho biết: Năm nay, lần đầu tiên HTX tham gia Chương trình OCOP với 2 sản phẩm măng tươi lục trúc và măng khô lục trúc. HTX đã đầu tư trên 100 triệu đồng để lắp đặt kho lạnh, mua máy hút chân không để bảo quản sản phẩm; thiết kế bao bì, tem, nhãn mác, hoàn thiện các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tìm hiểu chúng tôi được biết, tham gia Chương trình OCOP năm nay có 6/10 chủ thể lần đầu tham gia như HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình; HTX nuôi ong Phúc Thành; Công ty CP thương mại và sản xuất TNTea… với các sản phẩm chủ lực là chè, mật ong, măng. 2 chủ thể là HTX Thái Minh và HTX chè Thịnh An ngoài việc đăng ký xếp hạng cho 2 sản phẩm mới thì còn đăng ký đánh giá, công nhận lại đối với 4 sản phẩm chè đã đạt 4 sao trước đó. Điều này cho thấy các chủ thể rất chú trọng duy trì và nâng chuẩn để giữ gìn thương hiệu, mở rộng tiêu thụ các sản phẩm.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ, cho biết: Thông qua phát triển các sản phẩm OCOP đã góp phần tăng giá trị thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt từ 110 triệu đồng (năm 2020) lên khoảng 124 triệu đồng (hiện nay). Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, phát huy hiệu quả nguồn lực của các đề án, dự án phát triển nông nghiệp để xây dựng các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất tập trung; phát triển các sản phẩm OCOP gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn…
Ngọc Ánh
Báo Thái Nguyên – baothainguyen.vn