Đồng Nai: Du lịch nông nghiệp cần cơ chế phát triển

Đồng Nai đang xây dựng dự thảo Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động du lịch nông nghiệp (DLNN) nhằm thí điểm đầu tư và quản lý hoạt động DLNN tại các vùng sản xuất nông nghiệp, đất bãi bồi ven hồ, khu vực nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Một điểm khai thác hiệu quả kinh tế nông nghiệp thấp nhưng khi chuyển qua làm dịch vụ đạt giá trị cao tại H.Định Quán. Ảnh: N.Liên

Tuy nhiên, để quy chế tạm thời được ban hành và đi vào thực tiễn là rất khó do vướng các quy định về đất đai, quy hoạch… Trong khi đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang lấy ý kiến vẫn “bỏ quên” việc điều chỉnh, bổ sung những quy định liên quan đến phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn.

* Tiềm năng chờ cơ chế

Du lịch Đồng Nai những năm gần đây có sự chuyển dịch theo xu hướng chung khám phá, trải nghiệm rừng, hồ, nhà vườn… Đặc biệt, lĩnh vực du lịch nông nghiệp với những lợi thế trong xây dựng nông thôn mới thu hút ngày càng lớn lượng du khách đến tham quan.

Chỉ trong 2-3 năm trở lại đây, các địa phương như: Định Quán, Vĩnh Cửu, Tân Phú, Xuân Lộc…, du lịch nông nghiệp phát triển khá nhanh. Khai thác những lợi thế từ kết quả xây dựng nông thôn mới như: hạ tầng giao thông nông thôn, quy hoạch vùng trồng tập trung, nông dân làm nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, hữu cơ, thân thiện môi trường, phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa… đã tăng thêm giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, thu hút khách du lịch muốn tham quan, trải nghiệm và lưu trú.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang lấy ý kiến và điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Điều 79 quy định 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội song lại chưa có các dự án hạ tầng du lịch.

Để phục vụ khách du lịch, tăng thêm nguồn thu từ nông nghiệp, người dân cần đầu tư một số hạng mục thiết yếu để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho du khách như: nhà vệ sinh, khu ăn uống, trải nghiệm và lưu trú. Tuy nhiên, do vướng các quy định về đất đai, quy hoạch… nên hầu hết những điểm DLNN tại các địa phương hiện nay đều chưa đúng quy định; nông dân chưa mạnh dạn đầu tư các hạng mục. Sự e dè trong đầu tư hạng mục khiến điểm khai thác du lịch trên địa bàn tỉnh chưa phát triển xứng tầm. Đặc biệt là những vùng trồng cây nông nghiệp có năng suất kém nhưng lại có lợi thế cảnh quan thiên nhiên đẹp có thể khai thác du lịch.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai Trần Đăng Ninh cho biết, thời gian qua, Hiệp hội Du lịch Đồng Nai nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân tại các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Định Quán… về những khó khăn do vướng các quy định khi thực hiện các công trình tạm trên đất nông nghiệp. Trong khi đó, nhiều nhà vườn cho rằng, hiệu quả kinh tế từ khai thác du lịch cao hơn nhiều lần so với khai thác nông nghiệp thuần túy, đặc biệt là những khu đất xấu, hiệu quả kinh tế từ nông nghiệp không cao. Tiếp nhận những kiến nghị, phản ánh của người dân, hiệp hội đã báo cáo lãnh đạo tỉnh tìm hướng tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ người dân khai thác du lịch hiệu quả trên đất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, thu nhập, góp phần nâng cao mức sống vùng nông thôn.

* Cùng liên kết tháo gỡ vướng mắc

Thời gian qua, để mở đường cho DLNN phát triển, các cơ quan quản lý đã tổ chức khá nhiều đợt tham quan, học hỏi kinh nghiệm khai thác du lịch tại các địa phương trong cả nước. Qua đó, xây dựng những cơ chế, quy định tạm thời để tạo thuận lợi cho DLNN phát triển.

Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên Phạm Xuân Thịnh cho biết, Đồng Nai là tỉnh có tiềm lực kinh tế mạnh. Những năm gần đây, Đồng Nai chú trọng phát triển du lịch, đặc biệt là DLNN. Tuy nhiên, do vướng các quy định về đất đai nên lĩnh vực này chưa có sự bứt phá. Để DLNN phát triển xứng tầm, ông Thịnh cho rằng nông dân cần có những kiến nghị xác đáng, cụ thể đến lãnh đạo tỉnh để được xem xét, hỗ trợ khắc phục những khó khăn. Bên cạnh đó, các địa phương cần có sự sắp xếp lại cảnh quan tại các điểm đến, mời những nhà tư vấn chuyên nghiệp để tạo ra những sản phẩm ấn tượng, thu hút du khách. “Từ đầu năm đến nay, Vườn quốc gia Cát Tiên có sự phục hồi, phát triển du lịch khá mạnh, hy vọng những sản phẩm DLNN sẽ là những mắt xích, kết nối những tour khám phá giữa vườn quốc gia và các điểm DLNN hoặc những điểm tham quan khác”.

Nghị quyết số 82/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững đã nhấn mạnh, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ du lịch gắn với cảnh quan nông thôn, văn hóa cộng đồng, tăng trải nghiệm, phát huy các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn; hình thành các “điểm đến vệ tinh” với các trung tâm du lịch lớn nhằm lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, để DLNN phát triển theo Nghị quyết 82, Trưởng phòng Quản lý thể thao và du lịch (Sở VHTTDL) Nguyễn Văn Hậu cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn do hiện nay chưa có những quy định cụ thể về xây dựng công trình tạm trên đất nông nghiệp. Không chỉ đối với các hộ dân không nằm trong vùng quy hoạch phát triển du lịch mà ngay cả dự án phát triển du lịch sinh thái rừng đã được tỉnh phê duyệt cũng đang vướng mắc về quy định. Do đó, ông Hậu kỳ vọng thời gian tới, Chính phủ, tỉnh sớm có những quy định về phát triển DLNN, đặc biệt là quy định trong lĩnh vực xây dựng các hạng mục, công trình tạm tại điểm đến để phục vụ du khách.

Ngọc Liên
Báo Đồng Nai – baodongnai.com.vn