Xây dựng những điểm du lịch kết hợp với trải nghiệm nông thôn
Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch được xây dựng, tổ chức dựa trên hoạt sản xuất nông nghiệp. Mô hình trải nghiệm này chủ yếu diễn ra tại nông trại, trang trại hoặc thôn xóm, bản làng nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí của du khách. Cụ thể, du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu và cùng người dân địa phương lao động, sản xuất nông nghiệp như: trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến nông sản…
Khu vực Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam với những vùng nông thôn phong phú phong cảnh đẹp, yên bình và không gian thoáng đãng… được cho là rất thích hợp để lựa chọn những điểm du lịch kết hợp trải nghiệm nông thôn. Nhất là tại những nơi đang thực thi các dự án liên kết nổi trội giữa resort, khách sạn với nông dân tham gia làm du lịch.
Tại Thái Lan, một số vùng nông thôn Thái Lan đã xây dựng những trang trại gà hữu cơ. Du khách sẽ thoải mái chọn trứng tươi và nấu chín tại khu nghỉ dưỡng – Một phần không thể thiếu của phát triển du lịch nông nghiệp chính là ẩm thực “farm-to-table” – nấu những nguyên liệu có nguồn gốc nông trại. Mọi người dần có nhu cầu nhiều hơn đối với những bữa ăn được nấu từ thực phẩm địa phương tươi ngon, không hóa chất hay thuốc trừ sâu.
Với nền nông nghiệp cùng tài nguyên thiên nhiên phong phú, Philippines là vùng đất phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp. Trong những năm gần đây, Bộ Du lịch Philippines đã phát động chiến dịch “Future Farms” (Nông trại tương lai) – một chiến dịch tiếp thị số nhằm quảng bá cho lĩnh vực du lịch nông trại, mang đến cho du khách một môi trường trong lành và những trải nghiệm mới.
Bộ Du lịch Philippines cũng đang giúp các chủ nông trại đổi mới và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của họ với các dịch vụ như cung cấp thực phẩm tốt cho sức khỏe và tạo ra các hoạt động giải trí cho khách du lịch. Nhờ thế, các nhà khởi nghiệp nông nghiệp có thể tối đa hóa tiềm năng của đất đai, sử dụng nhiều lao động hơn và đóng góp vào an ninh lương thực của đất nước.
Tại Indonesia, nông nghiệp đang là ngành hỗ trợ cho nền kinh tế quốc gia, nên việc đột phá kết hợp nông nghiệp với các lĩnh vực khác như du lịch là rất hấp dẫn. Chính phủ Indonesia đang khuyến khích phát triển ngành nông nghiệp kết hợp với du lịch, hay còn gọi du lịch nông nghiệp ở tất cả các vùng ở Indonesia để tăng giá trị kinh tế ngoài hàng hóa.
Theo đó, Indonesia đang đẩy mạnh mô hình làng du lịch như một “điểm tựa mới” cho ngành du lịch nước này. Đến với các ngôi làng này, du khách không chỉ có những bức ảnh tuyệt đẹp, mà còn sống cùng người dân, mua những sản vật, sản phẩm sáng tạo của người dân, được ngắm những cảnh vật tự nhiên và văn hóa đặc sắc vùng miền…
Phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch nông thôn là xu hướng phát triển bền vững tại Việt Nam
Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nông thôn rất lớn, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa truyền thống đặc sắc. Hiện cả nước có khoảng 1.300 điểm du lịch, khu du lịch do các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% các điểm, khu du lịch ở các khu vực nông thôn. Những năm gần đây, nhiều địa phương trong cả nước đã quan tâm xây dựng và triển khai các chương trình bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao gắn với du lịch cộng đồng đang thành công không chỉ thu hút khách du lịch, mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Trải dài khắp đất nước có thể kể đến các sản phẩm du lịch điển hình như: tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); một ngày làm nông dân ở Yên Đức (Quảng Ninh), ngư dân ở Việt Hải (Hải Phòng); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Căng Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); hái vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang), hái na ở Chi Lăng (Lạng Sơn); trồng rau ở làng Trà Quế (Quảng Nam); canh nông ở Đà Lạt (Lâm Đồng); tham quan, khám phá đời sống người dân ở các trang trại sản xuất Thanh Long tại Bình Thuận. Chương trình khai thác các yếu tố gắn với văn hóa, sinh thái sông nước khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như du lịch miệt vườn, chợ nổi, cù lao ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang; thưởng thức văn hóa, đàn ca tài tử ở Bạc Liêu; văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh; lễ hội trái cây, hoa cảnh miền Tây…
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm tạo ra động lực phát triển cho du lịch nông thôn giai đoạn tới, phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn, xây dựng chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn góp phần đạt mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới bền vững.
Tăng cường hợp tác khu vực để quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp
Phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch nông thôn được đánh giá là xu hướng phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay nhằm hiện thực hoá các cam kết của Chính phủ các nước Đông Nam Á với cộng đồng thế giới cũng như góp phần định hướng một ngành nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả.
Tuy nhiên để phát triển du lịch nông nghiệp tạo hệ sinh thái kinh tế xanh thì các nước trong khu vực, nhất là các nước cơ bản làm nông nghiệp cần: Tăng cường hợp tác hơn nữa để xây dựng và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp du lịch; Cần thúc đẩy việc hoàn thiện quy hoạch du lịch cho các vùng đất nông nghiệp được phép làm du lịch, tận dụng tài nguyên cho phát triển du lịch và nông nghiệp.
Đào tạo và nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp cho người dân địa phương, giúp họ hiểu rõ về giá trị và tiềm năng của sản phẩm nông nghiệp với du lịch. Xây dựng các chuỗi cung ứng bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Khuyến khích việc đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp tại các điểm du lịch, bao gồm trang trại, vườn cây, khu chế biến nông sản địa phương…
Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, tạo điểm nhấn đặc biệt cho sản phẩm du lịch. Xây dựng các trung tâm truyền thông phụ trách riêng biệt du lịch nông nghiệp, giúp kết nối thị trường, cung cấp thông tin về sản phẩm và trải nghiệm du lịch cho khách hàng, tạo nguồn thu an toàn cho vùng nông sản.
T.H
Tạp chí Thông tin & Truyền thông – ictvietnam.vn