Thái Nguyên: Bảo tồn và phát huy giá trị quả trám đen Hà Châu

Nhiều năm nay, quả trám đen trồng trên đất Hà Châu (Phú Bình) được nhiều người biết đến, đặt mua. Để bảo tồn và phát huy giá trị của loại quả đặc sản này, người dân địa phương đã chú trọng nhân giống và chế biến quả trám đen thành nhiều món ăn đặc sắc. Từ đó nâng tầm giá trị nông sản địa phương.


Khoảng 5 năm trở lại đây, người dân xã Hà Châu (Phú Bình) đã chú trọng đến việc bảo tồn, nhân giống trám đen

Đồng chí Nguyễn Viết Đài, Bí thư Đảng ủy xã Hà Châu, cho biết: Khoảng 10 năm trở về trước, quả trám đen Hà Châu chưa có giá trị, thu nhập mang lại cho người dân không đáng là bao. Tuy nhiên, những năm gần đây, loại quả này đã khẳng định được giá trị kinh tế.

Xác định đây là cây trồng chủ lực, xã đã xây dựng nghị quyết về bảo tồn và phát huy giá trị của cây trám đen; rà soát những diện tích có thể trồng nhân rộng cây trám; xây dựng sản phẩm OCOP từ quả trám đen là trám muối và trám tươi hút chân không… Từ đó tạo thương hiệu “Trám đen Hà Châu” nhằm nâng cao thu nhập cho bà con.

Đang là chính vụ thu hoạch trám đen (tháng 7 Âm lịch), cùng đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đi đến một số xóm, chúng tôi bắt gặp hình ảnh nhà nhà thu hái trám đen. Nhà nào trồng ít cũng có vài ba cây, nhà trồng nhiều thì lên đến hàng chục gốc trám. Do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp nên trám đen ở Hà Châu có sự khác biệt so với những vùng khác. Trám Hà Châu có vị bùi, béo, ngậy, quả to và cùi dày. Với những ưu điểm đó, người dân địa phương luôn cố gắng bảo tồn loại cây này.

Ông Nguyễn Văn Bệu, ở xóm Trầm Hương, chia sẻ: Trước đây, quả trám đen chưa có giá trị, tôi cũng như nhiều người dân trong xóm không chú ý tới việc nhân giống loại cây này. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, quả trám đen được thương lái thu mua với giá cao, dao động từ 130 đến 140 nghìn đồng/kg, tôi đã chọn những cây trám cho quả ngon để ghép, nhân giống.

Theo người dân địa phương, về ưu điểm, cây trám sau khi được ghép thời gian cho ra quả nhanh hơn, chất lượng quả tương đương với cây mẹ… Tuy nhiên, tỷ lệ sống của cây trám ghép chỉ đạt khoảng 30%, vì việc ghép cây phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.


Hiện nay, quả trám đen Hà Châu đang được người dân địa phương bán với giá 130-140 nghìn đồng/kg

Để nâng cao hơn nữa giá trị của quả trám đen, huyện Phú Bình đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm có lợi thế giai đoạn 2021-2025, trong đó có việc mở rộng diện tích trồng cây trám đen, tập trung ở các xã ven sông Cầu như Hà Châu, Nga My, Thượng Đình, Úc Kỳ…, phấn đấu mở rộng diện tích đến năm 2025 đạt trên 400ha, năm 2030 đạt 765ha. Riêng xã Hà Châu hiện đã rà soát được khoảng 4,5ha đất ven sông để trồng mới cây trám.

Đồng thời, Đề án cũng khuyến khích người dân sử dụng giống trám được tạo ra từ phương pháp nhân giống bằng cách mắt ghép từ cây trưởng thành; thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc và sử dụng công nghệ sau thu hoạch để chế biến quả trám đen thành sản phẩm có giá trị…

Anh Tạ Quang Đăng, Giám đốc Hợp tác xã bảo tồn và chế biến trám đen Hà Châu, cho hay: Cùng với việc nhân rộng diện tích trồng trám đen, chúng tôi đã chế biến loại quả này thành nhiều món ăn khác nhau để phục vụ khách hàng như: nham trám, trám muối, trám nhồi thịt, xôi trám, trám kho thịt…

So với bán trám đen tươi thì khi chế biến thành món ăn, giá trị của quả trám tăng khoảng 30%, mang lại thu nhập cao hơn cho người dân địa phương. Hiện nay, Hợp tác xã bảo tồn và chế biến trám đen Hà Châu đã hoàn thiện hồ sơ, gửi các phòng, ban liên quan của huyện Phú Bình đề nghị công nhận OCOP đối với sản phẩm trám đen muối và trám đen tươi hút chân không. “Điều này sẽ góp phần khẳng định hơn nữa giá trị của  trám đen Hà Châu” – anh Đăng cho biết thêm.

Hiện nay, diện tích cây trám đen được trồng tại xã Hà Châu là 7,5ha, với số lượng trên 1.500 cây, trong đó có khoảng 750 cây đang cho thu hoạch. Sản lượng trám thu hoạch hàng năm đạt khoảng 6 tấn (trung bình mỗi cây có tuổi đời 10 năm trở lên cho thu 80-90kg quả/năm).

Vi Vân

Báo Thái Nguyên – baothainguyen.vn