Hè về cao nguyên Vân Hòa, Phú Yên

Cái nắng nóng mùa hè như dịu lại khi đặt chân đến vùng cao nguyên Vân Hòa, một vùng đất có độ cao cách mực nước biển khoảng 400m, cây xanh bốn mùa. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Hơn thế, đây còn là vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử cách mạng, vùng căn cứ kháng chiến của Phú Yên.


Nhiều đoàn khách du lịch về nguồn, dâng hương, báo công tại di tích Nhà thờ Bác Hồ vào tháng 5 và những tháng mùa hè. Ảnh: Trần Quới

Mát mẻ giữa nắng hè

Cao nguyên Vân Hòa gồm địa bàn các xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân của huyện Sơn Hòa và một phần huyện Tuy An. Đây là vùng đất đỏ bazan được hình thành do quá trình phun trào núi lửa. Nơi đây, khí hậu mát mẻ quanh năm, núi đồi trùng điệp, nhiều hồ, suối, thác nước, các thảm thực vật… tạo nên hệ sinh thái đa dạng. Một ngày, du khách có thể cảm nhận khí hậu của bốn mùa, nhiều người ví nơi đây giống như Đà Lạt, Bà Nà.

Tận dụng những lợi thế về khí hậu và hệ thống di tích lịch sử phong phú, tại cao nguyên Vân Hòa đang hình thành các nhà vườn du lịch, các trang trại trồng rau màu, cây công nghiệp phục vụ sản xuất kết hợp du lịch.

Đặc biệt gần đây, những cây đỏ trong vườn nhà người dân trở thành điểm thu hút sự hiếu kỳ của du khách. Cây đỏ ra hoa từ tháng Giêng, đến tháng 5 mới chuẩn bị chín, chuyển từ màu tím sậm dần sang đỏ tươi cho đến tháng 8 âm lịch. Những cây đỏ chi chít trái, một màu đỏ rực, đơm đầy từ trong thân cây mọc ra từ gốc sát mặt đất, lên đến thân, cành, khiến nhiều du khách thích thú.

Anh Nguyễn Quốc Hội, chủ vườn đỏ Bốn Bình cho biết: “Khí hậu mát mẻ và cây đỏ đã tạo nên đặc trưng cho du lịch nơi đây. Có năm đỏ mất mùa không có trái. Tuy vậy, khách vẫn có thể đến chơi nhà vườn vì ngoài cây đỏ tự nhiên, vườn còn nhiều loại cây trái khác như mít, bơ, xoài, mắc ca”.

Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, mỗi ngày hàng trăm lượt khách đến cao nguyên Vân Hòa để trốn nắng, check-in cùng cây đỏ với chi chít trái nhưng còn đang sậm màu, chuẩn bị chín tới. Nhiều nhóm khách trẻ thì chọn những điểm cắm trại qua đêm hoặc ở lại các trang trại nông nghiệp để cảm nhận không khí mát lạnh vào ban đêm và sáng sớm ở vùng cao nguyên. Chị Hà Nguyễn đến từ Hà Nội cho biết: “Thật ngạc nhiên và thú vị khi lạc vào vườn đỏ ở cao nguyên Vân Hòa. Khí hậu ở đây mát mẻ, buổi trưa ăn cơm gạo lúa rẫy với gà kho mắm thơm, gà nấu lá dít, cá suối nướng, muối ớt, rau rừng… mà ngon đến nhớ đời. Buổi tối bên ánh lửa bập bùng và những món nướng ngoài trời khiến ai một lần trải qua cũng lưu luyến”.

Theo anh Đỗ Hoàng Việt, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Nghinh Phong (Phú Yên), bên cạnh sức hút du lịch biển đảo vào mùa hè, thì cao nguyên Vân Hòa là điểm đến khá thú vị cho du khách khi đến Phú Yên, tạo nên hành trình tour nhiều trải nghiệm phong phú, đa dạng. “Khách đến đây rất thích”, anh Việt khẳng định.


Khách tham quan và chụp hình check-in vườn cây đỏ đang chuyển từ màu tím sậm sang màu đỏ, dịp lễ 30/4, 01/5. Ảnh: Quốc Hội

Địa chỉ đỏ du lịch về nguồn

Điểm đến trên tuyến cao nguyên Vân Hòa, bên cạnh những vườn cây đỏ của người dân, những nông trại kết hợp du lịch, nơi đây còn có quần thể căn cứ địa cách mạng của Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó, Nhà thờ Bác Hồ (xã Sơn Định) và địa đạo Gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An) – hai di tích lịch sử cấp quốc gia – là điểm nhấn đặc biệt của tuyến.

Di tích Căn cứ của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ nằm trải rộng trên địa bàn 3 xã: Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân, có địa hình đồi núi liên hoàn. Ở đây ngoài các cơ quan Tỉnh ủy, UBND Cách mạng, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Tỉnh đội và Ban An ninh tỉnh Phú Yên, còn có Trường Đảng, Xưởng Quân giới 200, Bệnh xá Trúc Bạch, Trường Y tế, Hội trường Mùa Xuân…

Đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh kể lại: Trong lúc quân, dân Phú Yên lập nhiều chiến công chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, bất ngờ Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi bản tin Bác Hồ từ trần. Cán bộ và Nhân dân ở căn cứ của tỉnh Phú Yên vô cùng bàng hoàng, xúc động. Tỉnh ủy Phú Yên quyết định xây dựng Nhà thờ Bác Hồ tại khu rừng dẻ (nay là thôn Hòa Bình, xã Sơn Định) để tổ chức tang lễ Bác Hồ, bày tỏ lòng thành kính, tiếc thương vô hạn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Phú Yên đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Trải qua chiến tranh và thời gian, Nhà thờ Bác Hồ xuống cấp, hư hỏng. Đến năm 2003, tỉnh Phú Yên cho xây dựng lại nhà thờ ở vị trí cũ trong khuôn viên rộng hơn 5.000m2. Nhà thờ được mô phỏng kiến trúc nhà truyền thống dân tộc. Bên cạnh đó là nhà trưng bày hiện vật, nhà tiếp khách, bia khắc nội dung giá trị văn hóa lịch sử di tích, khu tổ chức các hoạt động. Đến ngày sinh nhật Bác và những ngày lễ lớn, Đảng bộ, chính quyền cùng nhiều tổ chức đoàn thể – xã hội ở Phú Yên đến Nhà thờ Bác Hồ để thăm viếng, dâng hương tưởng niệm, báo công và sinh hoạt chính trị học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Cũng trên tuyến du lịch cao nguyên Vân Hòa, có một di tích lịch sử vô cùng độc đáo, đó là địa đạo Gò Thì Thùng (thuộc xã An Xuân, huyện Tuy An).

Hệ thống địa đạo này đã góp bao trận đánh làm nên những chiến công vang dội của quân và dân Phú Yên trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Địa đạo Gò Thì Thùng có chiều dài 1.948m với các hệ thống hầm chỉ huy, hầm chứa lương thực, vũ khí, nước uống dự trữ có thể chống được đạn pháo và bom loại nhỏ, địa đạo sâu 4,5m, rộng 0,8m. Toàn bộ địa đạo có 486 giếng, trên miệng giếng lấy gỗ đặt rầm, cách 20m chừa một cửa hông có ngụy trang. Bên trên địa đạo đặt vọng gác có đài quan sát, xung quanh là một hệ thống giao thông hào chằng chịt chạy ngang dọc…

Ngày nay, địa đạo không hoàn toàn nguyên vẹn, nhưng đây là di tích, điểm tham quan tìm hiểu lịch sử rất ý nghĩa. Cùng với địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị), địa đạo Gò Thì Thùng (Phú Yên) là một trong ba địa đạo lớn trong cả nước suốt thời kháng chiến chống Mỹ còn lại mãi cho đến hôm nay và mai sau để giáo dục truyền thống. 

Trong bối cảnh du lịch nông thôn, trở về với thiên nhiên đang trở thành xu hướng, điểm đến cao nguyên Vân Hòa góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của tỉnh, đồng thời phát huy tối đa lợi thế và khai thác hiệu quả các giá trị về du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng đồng bào các dân tộc, tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động du lịch, có thu nhập từ du lịch. Từ đây, các đơn vị lữ hành có thể xây dựng tour kết nối với các điểm du lịch biển tạo nên tour “lên rừng xuống biển”.
Ông Cao Hồng Nguyên, Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VHTTDL)

Trần Quới
Báo Phú Yên online – baophuyen.vn