8 giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch gắn với OCOP tại Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh

Đến năm 2030, du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm sản phẩm đặc trưng địa phương trở thành loại hình du lịch chủ đạo, cốt lõi của Cần Giờ, là một trong những điểm đến hấp dẫn của TP. Hồ Chí Minh.

Chú trọng xây dựng nhãn hiệu chứng nhận OCOP

Theo nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, ngành du lịch Cần Giờ có tốc độ tăng trưởng về khách du lịch khá cao so với tăng trưởng về khách du lịch chung của TP. Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn từ 2013 – 2022, khách du lịch đến Cần Giờ tăng trung bình 24,9%/năm, trong khi đó, tỷ lệ khách du lịch đến TP. Hồ Chí Minh tăng bình quân 6,5%/năm.


Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Vàm Sát tại Cần Giờ

Doanh thu của ngành du lịch ngày càng tăng, đóng góp cho kinh tế Cần Giờ đạt 8.112 tỷ đồng, trung bình tăng 32,2%/năm. Ngành du lịch của Cần Giờ ghi nhận sự phát triển vượt trội, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Phát huy lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, Cần Giờ đã phát triển được nhiều loại hình, sản phẩm du lịch trong đó có loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, được nhiều đơn vị lữ hành quan tâm khai thác.

Huyện cũng đã chú trọng xây dựng nhãn hiệu chứng nhận các sản phẩm đặc trưng của địa phương (OCOP). Đến nay, đã có 18 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3 sao (gồm 6 sản phẩm) và 4 sao (12 sản phẩm), đồng thời xây dựng kế hoạch để đưa các điểm du lịch sinh thái Dần Xây, Khu du lịch Vàm Sát và Khu du lịch cộng đồng Thiềng Liềng thành sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, làm cơ sở để gắn kết du lịch với việc quảng bá, tăng giá trị các sản phẩm OCOP của địa phương.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ ra một số hạn chế của ngành công nghiệp không khói tại địa phương sở hữu 23 km bờ biển của TP. Hồ Chí Minh như: Cần Giờ nằm sát trung tâm TP. Hồ Chí Minh, thị trường tiềm năng, lượng khách có nhu cầu du lịch lớn nhưng chưa trở thành điểm tham quan hấp dẫn, chưa trở thành địa điểm ưu tiên để người dân Thành phố và khách du lịch lựa chọn. Cần Giờ chưa phát huy hết lợi thế sẵn có của địa phương, còn lúng túng trong phát triển du lịch, chưa tạo sự đột phá để đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Các tuyến điểm tham quan, sản phẩm du lịch đơn điệu, chưa phong phú. Hoạt động du lịch chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có như hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi biển, hệ thống sông ngòi… Chưa khai thác hết những tiềm năng về các giá trị văn hóa của địa phương để gắn kết giá trị sinh thái tự nhiên và giá trị nhân văn thành sản phẩm du lịch ấn tượng của địa phương.

Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch còn yếu kém, chưa đồng bộ (giao thông đi lại khó khăn; hệ thống lưu trú nhỏ lẻ, tỷ lệ đạt chuẩn rất ít); thiếu các loại hình giải trí hiện đại và các thiết chế văn hóa hiện đại. Hạ tầng giao thông kết nối giữa Cần Giờ và các khu lân cận còn hạn chế, là điểm mấu chốt kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung và du lịch nói riêng.

Cần Giờ có nhiều sản phẩm nông nghiệp OCOP, mang đặc trưng riêng. Nhưng các sản phẩm nông nghiệp chưa được gắn kết với các điểm tuyến tham quan du lịch, chưa được quảng bá rộng rãi tới khách du lịch nên chưa khai thác tối đa chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch và OCOP còn thiếu và yếu về kỹ năng quản lý, điều hành; lao động trong ngành du lịch còn yếu về kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ là hạn chế rất lớn để phát triển du lịch ở địa phương trong thời gian tới.

8 nhóm giải pháp cụ thể

Từ đó, nhóm chuyên gia đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch tại huyện Cần Giờ, trong đó, trọng tâm là thúc đẩy phát triển du lịch gắn với OCOP.


Mật Dừa nước của Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam, một trong những sản phẩm OCOP của Cần Giờ được gắn 4 sao – Ảnh: H.Phúc

Một là, tiển khai quy hoạch cho phát triển du lịch sinh thái tại Cần Giờ. Triển khai thực hiện quy hoạch chung huyện Cần Giờ, trong đó xác định các định hướng cũng như quy hoạch quỹ đất dành cho phát triển du lịch và nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Hai là, nâng cấp hạ tầng giao thông và dịch vụ Cần Giờ. Hoàn thiện các tuyến giao thông đường thủy, đường bộ (bến bãi, phương tiện) để kết nối các điểm đến đặc sắc tại Cần Giờ, đặc biệt là ấp đảo Thiềng Liềng. Xây dựng và lắp đặt hệ thống chỉ dẫn giao thông đến các cơ sở chế biến/ sản xuất/ các điểm trải nghiệm du lịch và cung ứng sản phẩm OCOP.

Ba là, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho Cần Giờ. Chủ trì tổ chức khảo sát định kỳ hàng năm để thu thập ý kiến của khách du lịch thông qua các kênh trực tiếp tại khu điểm du lịch, cơ sở dịch vụ và các kênh trực tuyến nhằm điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ và thăm dò xu hướng, thị hiếu của khách du lịch.

Bốn là, hình thành các tác nhân thúc đẩy phát triển du lịch gắn với OCOP. Triển khai chương trình khởi nghiệp/tái khởi nghiệp để kết nối hệ sinh thái các doanh nghiệp/ hợp tác xã/ câu lạc bộ hướng đến mục tiêu liên kết, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị du lịch gắn với sản phẩm OCOP tại Cần Giờ. Từ đó xác định được đơn vị gánh chuỗi/dẫn dắt và truyền cảm hứng phát triển du lịch tại Cần Giờ. Nghiên cứu hình thành quỹ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn Huyện Cần Giờ

Tổ chức các hoạt động kêu gọi đầu tư hình thành sản phẩm du lịch/khu du lịch/điểm đến du lịch sinh thái – văn hoá, và hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ lưu trú và ăn uống bằng các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi phù hợp

Năm là, nâng chuẩn các sản phẩm du lịch và sản phẩm OCOP. Hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn đầu vào sản phẩm OCOP và công tác kiểm soát quy trình chế biến/ trồng trọt/ đánh bắt/ sản xuất sản phẩm OCOP; nhằm nâng cấp các sản phẩm OCOP hiện có và định hướng các sản phẩm OCOP mới tại Cần Giờ đạt tiêu chuẩn 5 sao, tập trung đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm để nâng giá trị thương hiệu sản phẩm OCOP Cần Giờ.

Sáu là, đẩy mạnh công tác truyền thông để phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP. Xây dựng Bộ nhận diện du lịch Cần Giờ tích hợp được giá trị sản phẩm du lịch sinh thái với các giá trị thực hành sản xuất và cung ứng sản phẩm OCOP của Cần Giờ. Xây dựng hình ảnh nhận diện logo OCOP cho sản phẩm.

Bảy là, ứng dụng khoa học công nghệ. Triển khai số hóa dữ liệu điểm đến và sản phẩm OCOP của huyện Cần Giờ; đồng bộ dữ liệu với nền tảng dữ liệu của du lịch TP. Hồ Chí Minh. Ứng dụng công nghệ (GIS, AI, VR…) trong quản lý điểm đến, quảng bá xúc tiến du lịch và sản phẩm OCOP của huyện Cần Giờ

Tám là, giải pháp bảo vệ môi trường. Tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình quản lý môi trường dựa vào cộng đồng; khuyến khích người dân, du khách không sử dụng túi nilong, chai nhựa, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp như: Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho Cần Giờ; Hình thành các tác nhân thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái gắn với OCOP; Đẩy mạnh công tác truyền thông để phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP; Ứng dụng khoa học công nghệ và Giải pháp bảo vệ môi trường.

Bình Đại
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – diendandoanhnghiep.vn