06 nhóm giải pháp triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (phần 2)

(TITC) – Ngày 02/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: TITC

 

Theo đó để đạt được mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng yêu cầu triển khai 6 nhóm giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 như sau:

Du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: TITC

Tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; người dân, cộng đồng và khách du lịch về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

 

Đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề…; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới.

Tổ chức các lễ hội (đặc biệt là lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội trái cây theo mùa và theo vùng miền), hoạt động kết nối du lịch các vùng, miền; truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn tại các hội chợ, triển lãm.

 

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tổ chức các cuộc thi sáng tác ý tưởng liên quan tới du lịch nông thôn (tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm truyền thông, thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng du lịch…) và tổ chức giải thưởng Du lịch nông thôn cấp quốc gia.

Bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn

Rà soát, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các hộ, cộng đồng kinh doanh du lịch nông thôn và các làng bản du lịch cộng đồng.

 

Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, ngoại ngữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch ở khu vực nông thôn.

Đưa các nội dung bồi dưỡng, đào tạo về du lịch vào các chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương và vùng; đưa các nội dung về tài nguyên du lịch vào tài liệu giáo dục địa phương sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Xây dựng tài liệu hướng dẫn quy trình phục vụ một số dịch vụ du lịch cơ bản tại khu vực nông thôn.

 

Tổ chức các lớp tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề và kỹ năng mềm phục vụ du lịch: cung cấp dịch vụ ăn uống (nấu ăn, pha chế…), lưu trú (làm buồng, phòng…), ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử, đón tiếp, thái độ phục vụ khách cho cộng đồng dân cư địa phương theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện; kết hợp với nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa về điểm du lịch và học hỏi kinh nghiệm về phát triển mô hình du lịch nông thôn tại các địa phương trong và ngoài nước.

Tổ chức mạng lưới chuyên gia du lịch, nông nghiệp và các ngành khác là doanh nhân, nghệ nhân, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao tham gia hỗ trợ các hộ dân và cộng đồng khai thác và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… phục vụ cho hoạt động du lịch nông thôn.

Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn

Lập bản đồ số các sản phẩm du lịch nông thôn, hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch nông thôn.

 

Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất từ trung ương đến địa phương phục vụ cho việc quản lý, quảng bá và xúc tiến du lịch nông thôn.

Xây dựng ngân hàng hình ảnh, số hóa các thông tin, tài liệu về các điểm du lịch nông thôn, tăng cường ứng dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) để từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, tạo điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm các hoạt động, dịch vụ du lịch nông thôn an toàn, thuận tiện và thân thiện.

 

Xây dựng chuyên trang điện tử (website, triển lãm, hội chợ du lịch ảo, các sản phẩm truyền thông số…) về du lịch nông thôn gắn với giới thiệu, quảng bá điểm du lịch nông thôn; khai thác thế mạnh truyền thông trên các nền tảng xã hội.

Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phát triển du lịch nông thôn

Tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin và phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực liên quan nhằm triển khai hoạt động phát triển du lịch nông thôn đồng bộ và hiệu quả.

 

Tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin với các quốc gia, tổ chức quốc tế nhằm tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về quản lý và phát triển du lịch nông thôn (đặc biệt du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch có trách nhiệm, quản lý và thích ứng rủi ro…).

Huy động sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực triển khai của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cho các dự án, chương trình du lịch nông thôn gắn với cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái; liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch nông thôn.

Xây dựng mạng lưới đối tác du lịch nông thôn để phục vụ cho kết nối đầu tư, kết nối thông tin cung – cầu du lịch.

 

Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết với các tổ chức nước ngoài để xây dựng mô hình du lịch nông thôn phù hợp với điều kiện Việt Nam và yêu cầu của Chương trình.

Tham gia các mạng lưới, diễn đàn về phát triển du lịch nông thôn ở cấp khu vực và quốc tế; thí điểm mạng lưới kết nối về du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm; giới thiệu và quảng bá các điểm đến du lịch nông thôn ở Việt Nam cho khách quốc tế.

Trung tâm Thông tin du lịch