Vườn sinh thái gắn với du lịch ở Nông Sơn, Quảng Nam

Từ chủ trương cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn theo hướng hữu cơ kết hợp với phát triển du lịch sinh thái đi cùng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tại Nông Sơn (Quảng Nam), nhiều mô hình vườn có giá trị được hình thành, tạo đà phát triển du lịch sinh thái.


Một góc vườn của người dân Nông Sơn. Ảnh: N.P

Chỉnh trang vườn tược

Hơn 8 năm về trước, ông Phùng Văn Lạc (ở xã Quế Lộc) đã nỗ lực cải tạo, quy hoạch khu vườn rộng 8.000m2 để trồng mít, bưởi da xanh, hồ tiêu xen kẽ với nhiều loại cây trồng khác như chuối lùn, sả, xoài…

Các loại cây trồng được ông Lạc bố trí thành 3 khu vực để tiện chăm sóc. Trong đó, ông trồng 100 cây bưởi da xanh trên 4.400m2 (mật độ trồng 6mx7m); trồng 20 cây xoài và mít trên 500m2; trồng 20 choái tiêu, một số cây cốc và ổi. Một góc vườn chừng 600m2 được bố trí trồng hoa màu gồm bắp, bí, cải xen sả, bồ ngót kết hợp nuôi gà thả vườn.

Ông Lạc trang bị hệ thống tưới vòi dẫn nước từ suối, từ giếng rồi xây thêm 2 bể chứa nước dự trữ. Ông chú trọng bón phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh cho cây trồng nhằm tạo các loại trái cây an toàn để phục vụ du khách và cung ứng sỉ lẻ. Mỗi năm, thu nhập từ vườn trái cây và rau màu đem lại cho gia đình ông khoảng 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, ông thu nhập khoảng 60 triệu đồng…

Trên 3.000m2 đất vườn quy hoạch từ năm 2010, ông Nguyễn Quốc Khánh (thôn Đại Bình, Quế Trung) trồng nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Vườn ông hiện có 12 cây sầu riêng, 80 cây bưởi da xanh, 18 cây bưởi trụ, 40 cây quýt đường…

Ông Khánh xây chuồng nuôi gà thả vườn với 2 lứa nuôi/năm, mỗi lứa chừng 50 con để tạo sản phẩm du lịch, vừa có nguồn thu cho gia đình. Ông đầu tư hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm nước,  giếng bơm và bể chứa khoảng 10m3 nước kết hợp nuôi cá.

Ông Khánh học hỏi kinh nghiệm sản xuất hữu cơ, bón phân hữu cơ vi sinh cho cây, sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh. Cụ thể như phun tinh dầu sinh học phòng trừ sâu bệnh, nấm khuẩn trước mùa mưa.

Mỗi năm, ông cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 quả trụ, thu nhập từ 18 – 20 triệu đồng; 4.000 quả bưởi da xanh, thu về 160 triệu đồng; 200 quả sầu riêng, thu được 50 triệu đồng và 20 triệu đồng từ quýt…

Hỗ trợ thiết thực

Nông Sơn có 2.825 vườn trồng cây ăn quả và các cây trồng có giá trị kinh tế khác với tổng diện tích 282,7ha. Các vườn chủ yếu chuyên canh cây bưởi trụ, bưởi da xanh, mít Thái, trồng bưởi xen ổi, hồ tiêu hoặc kết hợp giữa trồng cây ăn quả với chăn nuôi ếch, lươn thương phẩm, nuôi gà. Tuy nhiên, nhiều vườn hiện có quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Việc mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thâm canh ở một số vườn còn yếu. Chế biến sau thu hoạch còn nhiều hạn chế. Chính sách hỗ trợ kinh tế vườn chưa nhiều, chưa đồng bộ, nhất là thủ tục vay vốn còn rườm rà…

Để hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, bên cạnh triển khai Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh quy định cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại giai đoạn 2021 – 2025, HĐND huyện Nông Sơn cũng ban hành Nghị quyết số 57 về hỗ trợ phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch giai đoạn 2022 – 2025. Việc triển khai lồng ghép các cơ chế trên đã tạo đà cho phát triển kinh tế vườn – kinh tế trang trại gắn với du lịch trên địa bàn huyện.

Ông Đỗ Đình Long – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho biết: “Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, Nông Sơn tập trung hỗ trợ 200 vườn phát triển thành các vườn có giá trị kinh tế cao, đảm bảo vườn xanh – sạch – đẹp, đạt chuẩn vườn nông thôn mới.

Trong 2 năm 2022 và 2023, toàn huyện mới triển khai được 110 mô hình vườn cây ăn quả gắn với phát triển du lịch trên cơ sở lồng ghép cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh và Nghị quyết 57 của HĐND huyện. Song, việc triển khai cơ chế Nghị quyết 57 vẫn còn nhiều vướng mắc, cần sớm tháo gỡ”.

Có thể thấy, từ sự định hướng của huyện, từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, phong trào phát triển kinh tế vườn – kinh tế trang trại kết hợp phát triển du lịch ở Nông Sơn đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình vườn đẹp, trồng đúng kỹ thuật, áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng hữu cơ đã trở thành địa điểm tham quan của du khách và cũng là địa chỉ học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất trong và ngoài địa phương.

 H.Liên – T.Phương
Báo Quảng Nam điện tử- baoquangnam.vn