Từ khi được Nhà nước công nhận sản phẩm hương cây của làng là sản phẩm OCOP, ngoài việc tập trung phát triển sản xuất, làng nghề làm hương truyền thống Quán Hương còn mở cửa đón các đoàn khách du lịch đến tham quan trải nghiệm thực tế, mở ra một hướng đi mới cho làng nghề hơn 200 năm này và tận dụng tất cả các loại phụ phẩm từ các loại cây lâm nghiệp, như: quế, bời lời, dó bầu… Tương tự, làng nghề nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình) cũng với con cá cơm vùng bãi ngang cộng với bí quyết gia truyền cùng sự cần cù của các mẹ, các chị và sương gió miền cát trắng Bình Dương đã tạo ra một chất lỏng màu cánh gián, có hương vị đắm lòng bao thực khách.
Với nghệ nhân Dương Ngọc Tiển-làng nghề đúc đồng Phước Kiều (xã Điện Phương, TX Điện Bàn), việc giữ lửa cho làng nghề có hơn 400 năm tuổi là trách nhiệm của hậu thế với các bậc tiền nhân. Ngoài ra, việc liên tục cho ra các sản phẩm mới, như: tượng đồng, nhạc cụ bằng đồng, đỉnh đồng, hoành phi câu đối, đồ phong thủy, tranh chữ… cùng nhiều sản phẩm giá trị cung cấp cho các khách hàng trong và ngoài nước nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống và tạo tiếng vang cho làng nghề. Hoặc với các sản phẩm riêng có của làng gốm Thanh Hà, TP Hội An, ngoài việc bảo tồn làng nghề truyền thống họ còn góp phần phát huy thế mạnh của TP Hội An trong việc phát triển kinh tế du lịch theo hướng xanh-sạch-thân thiện với môi trường. Ông Đỗ Cảng-Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Lộc, cho biết: ngoài việc phát huy thế mạnh về nông nghiệp tại địa phương, với sản phẩm bánh tráng Đại Lộc (sản phẩm OCOP 4 sao) đã tạo điều kiện cho nhiều người biết đến đất và con người Đại Lộc.
Để phát huy hết tiềm lực cũng như kinh tế giúp người dân vươn lên làm giàu, thời gian qua nhiều địa phương tại Quảng Nam đã có những biện pháp, như: phối hợp cung các ngành chức năng hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để sản phẩm luôn đảm bảo tiêu chí sạch, an toàn cho người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu theo hướng bảo hộ độc quyền để tránh những rủi ro khi có tranh chấp xảy ra. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, hội chợ tại nhiều địa phương để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã giao lưu giữa các vùng miền, trao đổi kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm.
Cụ thể, tổ chức ngày hội sản phẩm OCOP Quảng Nam tại TP Đà Nẵng Đà Nẵng được tổ chức vào năm 2022 nhằm giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương giữa các đơn vị cung ứng sản phẩm Quảng Nam với nhà phân phối lớn trong nước và thế giới; triển lãm trưng bày thành tựu sản phẩm OCOP Quảng Nam vào tháng 12-2023 tại TP Tam Kỳ. Theo dự kiến, tháng 7/2024 Quảng Nam sẽ tổ chức Festival Nghề truyền thống-Quảng Nam 2024. Với chủ đề “Sản phẩm Nghề truyền thống Quảng Nam nâng tầm và hội nhập”, Festival Nghề truyền thống – Quảng Nam 2024 sẽ có nhiều chương trình, hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Tọa đàm “Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề truyền thống trong thời kỳ hội nhập”, triển lãm sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng vùng miền, hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp sản phẩm OCOP, sản phẩm nghề, làng nghề với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại, lễ tưởng niệm Bách tổ nghề, tôn vinh nghệ nhân…
Thông qua hội chợ, triển lãm giới thiệu kết nối cung-cầu, đưa sản phẩm OCOP hàng hóa vào hệ thống phân phối, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài
Ông Ngô Tấn-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, trao đổi: thông qua các hội chợ, triển lãm trưng bày sản phẩm với mục đích quảng bá sản phẩm OCOP của Quảng Nam, giúp người tiêu dùng tiếp cận nhiều loại sản phẩm OCOP. Đồng thời giới thiệu và kết nối các doanh nghiệp, HTX, làng nghề, cơ sở sản xuất-kinh doanh là chủ thể OCOP gặp gỡ, tìm hiểu thông tin thị trường, kết nối cung-cầu, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Riêng Festival Nghề truyền thống-Quảng Nam 2024 là một trong những hoạt động trọng tâm của chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân và góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, hiện đại và nông dân văn minh.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân gặp gỡ trao đổi để tăng cường liên kết, xúc tiến đầu tư, tạo cơ hội quảng bá, thúc đẩy cho các sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trở thành hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hy vọng với tiềm năng vốn có cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, sản phẩm OCOP của Quảng Nam sẽ vươn cao, bay xa…
M.T
Báo Công An Đà Nẵng Online/Chuyên trang của báo CAND – cadn.com.vn